3 rào cản lớn nhất khi bạn bắt đầu đặt giới hạn và cách vượt qua
- hotroyenspace
- 27 thg 3
- 3 phút đọc
1. Nỗi sợ bị từ chối và không được yêu thương
"Nếu mình nói không, họ sẽ nghĩ mình ích kỷ. Nếu mình từ chối, họ sẽ không còn thích mình nữa."

A từng kể: "Em luôn cảm thấy phải nói đồng ý với mọi yêu cầu của mẹ chồng, dù điều đó có nghĩa là phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi của mình. Em sợ nếu từ chối, mẹ sẽ không còn yêu thương em nữa."
Nhưng thực tế, những mối quan hệ lành mạnh sẽ không đặt điều kiện cho tình yêu thương. Người thực sự quan tâm đến bạn sẽ tôn trọng giới hạn của bạn.
Tips nhỏ vượt qua
- Hãy thử bắt đầu với câu thần chú này: "Nói 'không' với một yêu cầu không có nghĩa là nói 'không' với một con người."
- Thay vì nghĩ rằng đang từ chối ai đó, hãy chuyển góc nhìn: bạn đang nói "có" với nhu cầu và sức khỏe tinh thần của chính mình.
2. Cảm giác tội lỗi và trách nhiệm quá mức
Bạn có từng cảm thấy tim mình thắt lại khi đọc tin nhắn: "Chỉ có bạn mới giúp được mình lúc này"?
Cảm giác tội lỗi là một trong những rào cản dai dẳng nhất, nhất là khi chúng ta có xu hướng cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc và thành công của người khác.

Một người mẹ trẻ đã chia sẻ trong một buổi thảo luận: "Em luôn là người cuối cùng đi ngủ trong nhà. Đi làm về, chuẩn bị cơm nước, ăn cơm xong dọn dẹp, chơi với con, cho con ngủ. Khi con ngủ thì mình cũng rã rời rồi, chẳng còn thời gian cho mình hay học hành phát triển bản thân!"
"Chồng em thì làm gì?"
"Anh ấy ngủ sớm lắm ạ!"
Tips nhỏ vượt qua
- Viết ra danh sách những điều thực sự thuộc trách nhiệm của bạn và những điều không phải.
- Nhắc nhở chính mình, việc để cho người khác được phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề không chỉ là trách nhiệm của họ mà còn tốt hơn cho sự phát triển của họ.
Việc nhận biết ranh giới giữa hỗ trợ và gánh vác hộ sẽ giúp bạn đặt giới hạn mà không cảm thấy tội lỗi.
3. Thiếu kỹ năng giao tiếp để đặt giới hạn một cách tử tế
Có một sự thật đáng buồn: chúng ta hiếm khi được dạy cách nói "không" một cách lịch sự và hiệu quả.
"Em muốn từ chối, nhưng không biết nói sao cho người ta không giận, nên em cứ im lặng và miễn cưỡng đồng ý."

Mình đã từng như vậy. Đôi khi, mình nói "được" ngay lập tức vì không biết cách từ chối mà không làm tổn thương đối phương.
Tips nhỏ vượt qua
Một công thức đơn giản mình luôn chia sẻ là: Ghi nhận + Từ chối rõ ràng + Giải thích ngắn gọn (nếu cần) + Đề xuất thay thế (nếu có thể).
Ví dụ: "Cảm ơn bạn đã nghĩ đến mình (ghi nhận). Mình không thể tham gia dự án này lúc này (từ chối rõ ràng). Mình đang có một số cam kết cần ưu tiên (giải thích ngắn gọn). Nhưng mình có thể giới thiệu bạn với Hương, người có thể giúp bạn (đề xuất thay thế)."
Trường hợp này sẽ áp dụng khi được nhờ vả tức thì và hoàn toàn không có bất cứ ràng buộc cam kết nào. Nhưng khi bạn hứa thực hiện một việc, hay việc đó trong trách nhiệm của bạn, thì đừng lấy "ranh giới" làm lý do nhé! Đó là phạm trù về trách nhiệm và uy tín nè!
Thương mến,
Nguyễn Bảo Uyên
CoachVille Profession Certified Coach
Cám ơn bạn đã theo dõi blog của Yên Coaching Space.
Nếu muốn kết nối nhiều hơn với mình, bạn có thể theo dõi
các kênh khác của Yên Space tại:
Facebook | Youtube | Email | Đồng hành 1:1
Nếu bạn yêu thích bản tin và thấy nội dung hữu ích. Hãy chia sẻ tới
nhiều người hơn nữa nhé!
Yorumlar