Bạn không cần phải là một người mẹ hoàn hảo
- hotroyenspace
- 8 thg 4
- 4 phút đọc
Tình yêu của bạn đã đủ tròn đầy – kể cả khi bạn không hoàn hảo
Lời tự sự từ một phiên bản "hoàn hảo cũ"
Tôi từng nghĩ làm mẹ giỏi là làm được hết. Là biết cho con ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, dạy con phát triển toàn diện, nhà cửa gọn gàng, công việc vẫn trơn tru và luôn… mỉm cười dịu dàng.
Rồi một ngày, tôi khóc oà trong phòng tắm, vì hôm đó con tôi ăn không ngon, tôi nổi cáu, nhà lộn xộn, và tôi đã “không làm tốt vai trò của mình”.
Lúc ấy, tôi nhận ra điều khiến tôi đau khổ không phải vì tôi làm chưa đủ tốt, mà vì tôi tin rằng mình PHẢI hoàn hảo.
Tại sao chúng ta tin rằng mình phải làm mẹ hoàn hảo?
Xã hội tôn vinh hình ảnh “người mẹ lý tưởng”: Luôn hy sinh, không mệt mỏi, luôn biết cách xử lý mọi tình huống. Những hình ảnh này, lặp đi lặp lại từ mạng xã hội đến quảng cáo, đến lời góp ý đầy thiện chí từ người thân… dần trở thành tiêu chuẩn vô hình.

Vấn đề là: Chuẩn mực đó không có thật. Không ai sống được với tiêu chuẩn đó mà không đánh đổi sức khoẻ tinh thần.
Khoa học nói gì về sự “hoàn hảo”?
Nghiên cứu của cô Brene Brown từ Đại học Houston 2012 cho thấy: Những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo thường ít cảm thấy hài lòng, dễ rơi vào lo âu, trầm cảm, và mất kết nối với người thân – kể cả con cái.
Thêm vào đó, nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) khẳng định:
“Sự gắn bó an toàn giữa cha mẹ và con cái không đến từ việc cha mẹ làm đúng mọi lúc, mà đến từ việc cha mẹ biết quay lại, sửa chữa và kết nối khi có sai sót.”
Nói cách khác, sự không hoàn hảo – nhưng có mặt thật lòng – mới tạo nên sự gắn bó bền vững với con.
Vậy, điều gì là “đủ tốt”?
Khái niệm “người mẹ đủ tốt” (Good Enough Mother) được bác sĩ nhi khoa và nhà phân tâm học Donald Winnicott đưa ra từ năm 1953. Theo ông:
“Người mẹ đủ tốt là người không hoàn hảo, nhưng có mặt. Biết khi nào nên phản ứng, khi nào nên lùi lại. Biết rằng mình cũng có giới hạn, và điều đó là điều tốt cho sự phát triển độc lập của trẻ.”
Điều này nghĩa là gì?
Bạn có thể không luôn nấu đủ ba bữa lành mạnh mỗi ngày – và vẫn là người mẹ tốt.
Bạn có thể mất kiên nhẫn – và vẫn có thể xin lỗi, kết nối lại, và dạy con về cảm xúc.
Bạn có thể thấy mệt, chán, đôi khi muốn trốn đi đâu đó vài ngày – và vẫn là người mẹ yêu con hơn tất cả.

Gợi ý thực hành: Học cách làm mẹ “đủ tốt”
1. Viết nhật ký ghi nhận chính mình
Mỗi tối, ghi lại 3 điều bạn đã làm cho con hôm nay – dù nhỏ. Dọn đồ chơi, ôm con khi con khóc, lắng nghe con kể chuyện – tất cả đều là tình yêu.
2. Tự hỏi: “Nếu bạn thân của tôi là người mẹ như tôi, tôi sẽ nói gì với cô ấy?”
Hầu hết chúng ta khắt khe với bản thân hơn bất kỳ ai. Hãy thử dùng lòng trắc ẩn mình dành cho người khác với chính mình. Và Uyên tặng bạn audio 30 câu nói tự trắc ẩn với chính mình để bạn lắng nghe mỗi khi thấy mình “chưa hoàn hảo” hay “chưa đủ tốt”
3. Lập danh sách “những điều không cần phải hoàn hảo”
Ví dụ: Nhà có thể bừa. Bữa ăn có thể mua sẵn. Lịch học thêm của con có thể giãn. Hãy viết ra và dán lên tủ lạnh như một lời nhắc nhở hàng ngày.
Weekly Tip: Tự hỏi “mình đang cố hoàn hảo vì ai?”
Có phải vì mình sợ bị đánh giá?
Có phải vì mình thấy bất an?
Có phải vì mình muốn bù đắp điều gì đó?
Nếu có, hãy thử đổi lại câu hỏi: “Làm sao để mình có thể là người mẹ an yên hơn – không phải giỏi hơn?”
Sự bình an của bạn là món quà lớn nhất dành cho con.
Lời nhắn nhủ từ một Mom Well-being Coach
Bạn không cần phải là người mẹ hoàn hảo. Bạn chỉ cần là một người mẹ đang học cách yêu chính mình, và có mặt với con bằng tất cả sự chân thành.
Và như thế - là đủ rồi.Hôm nay, nếu bạn cần một lời nhắc nhẹ nhàng, thì đây là nó:
Bạn đang làm tốt hơn bạn tưởng. Hãy thở. Hãy nhẹ với mình. Và hãy tiếp tục yêu con theo cách của riêng bạn.
Nếu bạn muốn biết mình đang ở đâu trên hành trình làm mẹ – hãy dành 5 phút làm bài đánh giá “Kiệt sức ở mẹ có con 0 - 6 tuổi" và mở đầu cho một hành trình hồi phục đầy tử tế
Thương mến,
Nguyễn Bảo Uyên
Mom Well-being Coach ICF Profession Certified Coach
Nếu muốn kết nối nhiều hơn với mình, bạn có thể theo dõi mình tại:
Cảm ơn bạn vì đã luôn bên cạnh, đón đọc và ủng hộ bản tin. Mình luôn mong nhận được các chia sẻ, góp ý từ bạn giúp bản tin hữu ích và thiết thực hơn.
Nếu bạn yêu thích bản tin và thấy nội dung hữu ích.
Hãy chia sẻ tới nhiều người hơn nữa nhé!
Comments