Hành trình từ tổn thương đến giải phóng nội tâm
- hotroyenspace
- 29 thg 3
- 5 phút đọc
Đọc những bài viết gần đây của mình, hẳn mọi người cũng sense được mình là một người rất nhạy cảm, nên cũng dễ tổn thương (ngại nhưng mà thiệt :">)
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, so với là một cô bé nhút nhát, tự ti, hay than vãn và dễ tổn thương như ngày xưa. Mình thực sự đã là một phiên bản mình cảm thấy hạnh phúc, mặc dù không hoàn hảo, nhưng từng lớp lan được gỡ bỏ, cho mình cảm nhận được cuộc sống và hành trình sống thật ý nghĩa.
Để có thế gói gọn trong 1 bài viết hành trình 3 năm qua của mình, thì thự sự không thể nào thật đầy đủ. Nhưng mình nghĩ, nếu có thể chia sẻ ngắn gọn, mình sẽ highlight 7 điều sau:
1. Đối diện với những niềm tin giới hạn
Chẳng hạn, trước đây, mình luôn tự hào về sự độc lập và khả năng tự lo liệu mọi thứ. "Dựa núi, núi sẽ đổ. Dựa sông, sông sẽ mòn..." - câu nói này gần như là tuyên ngôn sống của mình. Đây không phải là điều xấu, nhưng khi nó trở thành một niềm tin cứng nhắc không cho phép mình nhận hỗ trợ, thì nó lại trở thành xiềng xích vô hình.

Bước đầu tiên mình thực hiện là LIỆT KÊ TẤT CẢ những niềm tin giới hạn của mình. Mình lấy một cuốn sổ, dành thời gian yên tĩnh để viết ra những câu mình hay nói với chính mình khi đứng trước quyết định:
"Mình không thể nhờ người khác giúp vì họ sẽ thất vọng về mình"
"Phụ nữ phải mạnh mẽ, không được yếu đuối"
"Nếu mình chia sẻ khó khăn, người ta sẽ đánh giá mình"
Sau đó, mình đặt câu hỏi cho mỗi niềm tin: "Điều này có thực sự đúng 100% không? Có khi nào nó sai không?" Bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng "quy tắc" tự áp đặt mà chúng ta chưa từng kiểm chứng.
2. Tìm người đồng hành (coach, mentor, therapist, teacher…) và cộng đồng phù hợp
Mình may mắn gặp được những người thầy cô, mentor và coach cực xịn trong suốt 3 năm qua, người đã chỉ ra cho mình một loạt ĐIỂM MÙ mà tự mình không nhìn thấy được.
Chẳng hạn như chuyện "Tính Nam" trong mình quá mạnh, cần cân bằng lại với "Tính Nữ", hay mình có xu hướng kiểm soát thay vì thả lỏng,...
Điều mình làm là CHỌN LỌC NHỮNG NGƯỜI CÓ THỂ PHẢN HỒI cho mình thấy những điểm mù với sự tử tế, hướng thiện và thực sự mong điều tốt đẹp dành cho mình.
Không phải ai cũng có thể làm điều này - họ cần phải:
- Đủ hiểu biết để nhìn thấy vấn đề của mình
- Đủ quan tâm để muốn giúp đỡ
- Đủ thẳng thắn để nói ra sự thật
Mình đã tham gia các nhóm học tập, sinh hoạt, chia sẻ và quan trọng nhất là THỰC HÀNH những bài tập được giao.
3. Thực hành từng bước nhỏ
Khi đã quen với các mô thức, thói quen, quan điểm cũ thì việc thay đổi không thể là một sớm một chiều, càng không thể kỳ vọng chỉ vài tháng là khác ngay. Vì vậy, mình thực hành từng bước nhỏ mà rõ ràng nhất là từng tuần.

Ví dụ với mô thức tự quyết định mọi thứ, việc học cách dựa vào người khác là một thách thức lớn. Mình đã bắt đầu với những việc nhỏ:
- Đầu tiên, mình TẬP CHO PHÉP MÌNH NHẬN SỰ GIÚP ĐỠ từ chồng và những người xung quanh...
- Sau đó, mình học cách CHIA SẺ QUYẾT ĐỊNH thay vì gánh vác mọi trách nhiệm
- Từ đó, tiến tới học cách TIN TƯỞNG VÀO QUÁ TRÌNH thay vì kiểm soát mọi kết quả
Điều khó khăn nhất là mình phải chấp nhận rằng mọi chuyện có thể không hoàn hảo theo cách mình muốn, nhưng như vậy không có nghĩa là thất bại.
4. Đối diện với nỗi sợ bị phán xét
Hành trình chia sẻ câu chuyện cá nhân lên không gian mạng là cả một quá trình chống lại nỗi sợ bị đánh giá. Và cả những ngày nay, mình biết điều đó vẫn có, nhưng mình CHỦ ĐỘNG CHỌN chiến lược như thế để gỡ bỏ nút chặn thể hiện mình và đối diện nỗi sợ bị phán xét.
Một mẹo nhỏ mà mình áp dụng: Khi post bài, mình tưởng tượng rằng mình đang viết cho MỘT NGƯỜI CỤ THỂ sẽ được giúp đỡ bởi câu chuyện của mình, chứ không phải cho "tất cả mọi người" trên mạng xã hội.
5. Xây dựng mục đích lớn hơn bản thân
Như cô giáo Hà của mình đã nói, điều giúp vượt qua nỗi sợ là một lực kéo lớn hơn cả bản thân mình, hay em Hiếu chia sẻ "một lý do lớn mà để khi bị vắt kiệt như cờ hó thì vẫn không thay đổi".
Mình đã:
- Tìm ra mục đích của việc chia sẻ: "Nếu câu chuyện của mình giúp được dù chỉ một người không cảm thấy cô đơn trong trải nghiệm của họ, thì đó là việc đáng làm!"
- Tìm kiếm những hình mẫu tương tự để thấy rằng mình không đơn độc
- Trung thực với chính mình về động lực chia sẻ - không phải để được khen, ghi nhận, thấy một phiên bản hoàn hảo mà để kết nối và vượt lên chính mình.
6. Thực hành tĩnh lặng nội tâm
Mình không chăm chỉ mỗi ngày, nhưng mình chú tâm thực hành bài tập 5 phút tĩnh lặng nội tâm (là bài tập mình từng chia sẻ từ cuốn sách WOI của Rudorf Steiner) khá thường vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Điều này giúp mình TÁCH MÌNH RA khỏi bản ngã của bản thân để nhìn mọi việc qua con mắt khách quan và không bị nhấn chìm trong cảm xúc.
7. Đón nhận sự không hoàn hảo
Mình từng là người cầu toàn, theo đuổi sự hoàn hảo trong mọi việc. Nhưng giờ đây, mình:
- Chia sẻ thất bại chứ không chỉ thành công
- Không cực đoan sửa chữa mọi khuyết điểm, chấp nhận một số điều là "đủ tốt"
- Tìm thấy vẻ đẹp trong những điều không hoàn hảo
- Thử nghiệm mà không sợ thất bại
Cuối cùng là, có một điều mình tin rằng đúng với tất cả chúng ta: Sự cân bằng chính là chìa khóa. Và cân bằng không có nghĩa là đứng im một chỗ - mà là liên tục điều chỉnh, lắng nghe bản thân, và chấp nhận mình là ai.
Hãy nhớ rằng, mỗi bước nhỏ đều là một phần của hành trình lớn. Hãy tử tế với chính mình trong quá trình đó.
Bạn đã và đang thực hành điều gì để tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống?
Thương mến,
Nguyễn Bảo Uyên
CoachVille Profession Certified Coach
Cám ơn bạn đã theo dõi blog của Yên Coaching Space.
Nếu muốn kết nối nhiều hơn với mình, bạn có thể theo dõi
các kênh khác của Yên Space tại:
Facebook | Youtube | Email | Đồng hành 1:1
Nếu bạn yêu thích bản tin và thấy nội dung hữu ích. Hãy chia sẻ tới
nhiều người hơn nữa nhé!
Bình luận