top of page

Khi những vướng mắc chưa giải quyết của cha mẹ trở thành gánh nặng trên vai con

"Khi cha mẹ mang theo những vấn đề chưa được giải quyết hoặc còn vướng mắc, họ thường áp đặt những gánh nặng này lên các tương tác với con cái." Daniel J. Siegel & Mary Hartzell


Mỗi người chúng ta đều mang theo những trải nghiệm từ thời thơ ấu - Những trải nghiệm này ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận thế giới, xây dựng các mối quan hệ và đặc biệt là cách chúng ta làm cha mẹ. Khi những vấn đề này chưa được giải quyết, chúng ta vô thức mang chúng vào mối quan hệ với con cái, và đôi khi đặt lên vai con những gánh nặng cảm xúc không thuộc về chúng.


Vướng mắc của cha mẹ trở thành gánh nặng trên vai con

1. Cha mẹ vô thức truyền lại gánh nặng cảm xúc

Theo Bethany Webster trong cuốn sách "Discovering the Inner Mother", nhiều cha mẹ không ý thức được rằng họ đang truyền lại những tổn thương và kỳ vọng chưa được giải quyết từ quá khứ. Webster cho rằng, những gánh nặng này có thể xuất phát từ những chuẩn mực xã hội hoặc văn hóa mà cha mẹ mang theo - chẳng hạn như áp lực phải thành công, luôn hy sinh cho người khác, hoặc tránh thể hiện cảm xúc yếu đuối (Webster, 2021).


Khi một người mẹ từng lớn lên với cảm giác mình không đủ tốt, cô ấy có thể vô thức đặt áp lực đó lên con cái, kỳ vọng con mình phải hoàn hảo để chứng minh rằng mình đã làm tốt vai trò làm mẹ. Những kỳ vọng vô thức này trở thành gánh nặng tinh thần cho cả mẹ và con. Con cái có thể cảm thấy mình phải đạt được những tiêu chuẩn không tưởng để được chấp nhận và yêu thương, trong khi người mẹ luôn lo sợ mình thất bại trong việc nuôi dạy con.


áp đặt con cái

Mark Wolynn, trong cuốn sách "It Didn’t Start With You", giải thích rằng chấn thương tinh thần có thể được truyền qua nhiều thế hệ. Những nỗi sợ hãi, tổn thương hoặc cảm xúc bị dồn nén của cha mẹ không chỉ ảnh hưởng đến họ mà còn để lại dấu ấn lên con cái. Wolynn gọi đây là "di sản cảm xúc" - những tổn thương chưa được giải quyết từ đời này sang đời khác (Wolynn, 2016).


Ví dụ, nếu cha mẹ từng phải chịu áp lực lớn về thành tích trong thời thơ ấu, họ có thể vô thức áp đặt kỳ vọng tương tự lên con cái, tạo ra môi trường căng thẳng cho con, dù bản thân họ không nhận ra điều này. Những tổn thương này không hề bắt đầu từ con mà bắt nguồn từ nỗi đau của cha mẹ, tuy nhiên, con cái lại thường là những người gánh chịu hậu quả.


áp đặt kỳ vọng

2. Nhận diện và giải quyết những di sản cảm xúc


Nhận diện những vấn đề chưa được giải quyết là bước đầu tiên trong hành trình thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải quay về với chính mình, xem xét kỹ lưỡng những cảm xúc, kỳ vọng và niềm tin sâu bên trong


  • Tôi đang kỳ vọng điều gì ở con?

  • Những kỳ vọng này có đến từ nhu cầu thật sự của con không, hay từ những mong muốn chưa được thỏa mãn của tôi?

  • Tôi có đang ép con trở thành phiên bản mà mình đã từng khao khát được trở thành không?


quay về với chính mình

Khi nhận diện được những kỳ vọng và điều tắc nghẽn nào chưa được giải quyết, bạn có thể bắt đầu buông bỏ và giải phóng bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực. Điều này không chỉ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn mà còn tạo ra môi trường yêu thương và hỗ trợ cho con phát triển.


3. Thực hành inner-work và đồng hành cùng con


an yên

Inner-work không phải là một điểm đến, mà là một hành trình liên tục. Dưới đây là một số cách giúp bạn vừa giải phóng bản thân, vừa đồng hành cùng con cái


3.1. Thực hành chánh niệm (Mindfulness)

Chánh niệm giúp bạn nhận biết cảm xúc và phản ứng của mình trong từng khoảnh khắc. Khi nhận thấy mình đang cảm thấy tức giận, lo lắng hoặc căng thẳng, hãy dừng lại và tự hỏi: "Cảm xúc này có thực sự đến từ con hay từ chính mình?" Điều này giúp bạn tránh phản ứng quá mức và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến con.


3.2. Chăm sóc bản thân

Bethany Webster khuyến khích phụ nữ tự nuôi dưỡng "người cha mẹ nội tâm" của mình — nghĩa là trở thành người cha mẹ mà bạn luôn cần, cho chính bạn. Điều này bao gồm việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, lắng nghe bản thân và tạo ra không gian cho những đam mê cá nhân. Khi bạn chăm sóc tốt cho chính mình, bạn sẽ có đủ năng lượng và sự kiên nhẫn để đồng hành cùng con.


3.3. Tạo không gian an toàn cho con

Khi con bạn cảm thấy an toàn và được yêu thương vô điều kiện, chúng sẽ không cần phải đáp ứng bất kỳ kỳ vọng nào để được chấp nhận. Hãy tôn trọng tính cách và nhu cầu riêng của con, thay vì cố gắng ép con vào khuôn mẫu mà bạn mong muốn.


4. Tương lai không còn gánh nặng

Khi bạn dần dần được giải phóng khỏi những ký ức chấn thương thời thơ ấu, tức là khi bạn an yên hơn, bạn sẽ nhận thấy rằng mối quan hệ giữa bạn và con trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Con sẽ có cơ hội phát triển tự do, còn bạn sẽ cảm thấy bình yên và tự tin hơn trong vai trò làm mẹ. Chữa lành không chỉ là sự giải phóng cho chính bạn mà còn là món quà vô giá dành cho con cái, bởi bạn đang mở ra một tương lai không còn mang theo những gánh nặng từ quá khứ.


hành trình dài


5. Lời Kết


cha mẹ không cần hoàn hảo

Là cha mẹ, chúng ta không cần phải hoàn hảo. Điều quan trọng nhất là nhận diện được những gánh năng mình mang theo và cam kết giải phóng chúng, để không đặt lên vai con những kỳ vọng hoặc di sản cảm xúc chưa được giải quyết. Hành trình này là một quá trình dài, nhưng từng bước tiến lên sẽ mang lại sự bình an cho bạn và những thế hệ sau.



Thương mến,

Nguyễn Bảo Uyên

CoachVille Profession Certified Coach



Nguồn tham khảo:

  • Webster, B. (2021). Discovering the Inner Mother: A Guide to Healing the Mother Wound and Claiming Your Personal Power. HarperOne.

  • Wolynn, M. (2016). It Didn’t Start With You: How Inherited Family Trauma Shapes Who We Are and How to End the Cycle. Penguin Books.



Cám ơn bạn đã theo dõi bản tin “Mẹ An Con Khoẻ”. Mình là Nguyễn Bảo Uyên - CoachVille Professional Certified Coach - người đồng hành cùng bạn trên hành trình làm mẹ an yên, cho con vui khoẻ.


Nếu muốn kết nối nhiều hơn với mình, bạn có thể theo dõi mình tại:


Cảm ơn bạn vì đã bên cạnh, đón đọc và ủng hộ bản tin. Các chia sẻ, góp ý từ bạn luôn được đón nhận để giúp bản tin có giá trị hữu ích và thiết thực hơn.

Nếu bạn yêu thích bản tin và thấy nội dung hữu ích. Hãy chia sẻ tới nhiều người hơn nữa nhé!

Comments


bottom of page