Làm mẹ không có nghĩa là bạn phải hy sinh bản thân. Bạn không phải chọn một trong hai "Là Mẹ" hay "Là Mình", mà bạn chính là cả hai.
Ngày xưa, khi mới có con, mình hay nói chuyện với bạn bè và xưng là "Mẹ Tiger", "Mẹ A", "Mẹ B",.... Bây giờ, nói chuyện với các thầy cô và phụ huynh, mình vẫn xưng hô thế.
Rồi mình cũng gặp tình huống, khi mình gọi là "Mẹ X", thì mình nhận được phản hồi là: "Tớ là tớ thôi, là chính mình, không là mẹ ai cả!"
Sau đó, mình có ngẫm nghĩ về câu chuyện bản dạng (Identity) của người mẹ sau khi có con. Có người vẫn muốn chỉ là chính mình, có người thì thêm một danh tính mới "Là Mẹ". Vậy cái nào là ĐÚNG, cái nào là NÊN?
Lúc ấy, mình không nghĩ việc "Là Mẹ" sẽ đồng nghĩa với đánh mất bản thân. Mình chưa từng nghĩ vậy.
Nhưng mình cũng nhìn vào nội tâm mình sâu sắc hơn, có bao giờ, khi làm mẹ, mình đã VÔ TÌNH đánh mất một phần nào đó của bản thân? Khi cuộc sống bận rộn với bỉm sữa, giấc ngủ chập chờn, và sự lo toan cho con cái chiếm trọn tâm trí,...
Nhưng giờ đây, mình đã có thể tự tin khẳng định một điều: “Là Mẹ” và “Là Mình” không hề mâu thuẫn với nhau.
Trên hành trình làm mẹ, bạn vẫn có thể là phiên bản trọn vẹn nhất của bản thân mình - một người mẹ đầy yêu thương, và cũng là một người phụ nữ với ước mơ, khát vọng, và cá tính riêng.
Làm mẹ không có nghĩa là bạn phải hy sinh bản thân
Từ lâu, hình ảnh người mẹ trong xã hội được gắn liền với sự hy sinh và quên mình vì gia đình. Chúng ta thường nghe câu chuyện về những người mẹ tạm gác lại sự nghiệp, từ bỏ sở thích cá nhân để chăm lo cho con cái. Những hành động ấy quả thực là đáng ngưỡng mộ, nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải hy sinh chính mình để trở thành một người mẹ tốt.
Sự hy sinh không nhất thiết là điều kiện tiên quyết để trở thành một người mẹ tốt.
Làm mẹ là một hành trình yêu thương, chăm sóc và bảo vệ con cái, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải từ bỏ tất cả những gì khiến bạn cảm thấy sống động và trọn vẹn.
Bạn không cần phải đánh đổi bản sắc cá nhân để trở thành một người mẹ tuyệt vời.
Là chính mình, đồng nghĩa với việc bạn biết lắng nghe bản thân, tôn trọng cảm xúc của mình và nuôi dưỡng những điều làm nên con người bạn.
Sự cân bằng giữa hai vai trò này sẽ mang lại một cảm giác thoải mái và bình yên cho cả bạn và gia đình.
Khi bạn sống thật với bản thân, bạn sẽ có đủ tình yêu và sức mạnh để chăm sóc con cái từ một nơi tràn đầy năng lượng, chứ không phải từ sự kiệt sức hay cam chịu.
Sự hòa hợp giữa “Là Mẹ” và “Là Mình”
Nhiều người mẹ cảm thấy mình bị giằng xé giữa vai trò làm mẹ và những mong muốn cá nhân. Họ tự hỏi: “Nếu tôi dành thời gian cho bản thân, liệu tôi có phải đang ích kỷ không?”
Câu trả lời là không. Việc dành thời gian để phát triển bản thân, chăm sóc cho sức khỏe tinh thần và thể chất của mình không chỉ mang lại lợi ích cho bạn mà còn cho cả gia đình.
Khi bạn hạnh phúc, cả nhà sẽ hạnh phúc. Con cái sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ một người mẹ tràn đầy sức sống, một người mẹ không chỉ chăm sóc cho con, mà còn biết chăm sóc chính mình.
Thực tế, việc bạn giữ vững bản sắc cá nhân không chỉ là điều cần thiết cho chính bạn mà còn giúp bạn làm gương cho con cái.
Khi con thấy mẹ của chúng vẫn theo đuổi những đam mê, mục tiêu riêng, chúng sẽ học được rằng việc yêu thương bản thân và phát triển cá nhân là điều quan trọng và xứng đáng.
Hãy nhớ rằng, làm mẹ không phải là mất đi bản thân, mà là tìm ra cách để kết nối những phần quan trọng trong cuộc sống của bạn - tình yêu dành cho con và tình yêu dành cho chính mình.
Không có mẫu số chung nào cho một người mẹ “chuẩn mực”. Bạn có thể vừa là người mẹ tận tụy, vừa là một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập với những giấc mơ và sở thích riêng.
Bạn không phải chọn một trong hai
Hãy luôn nhớ rằng “Là Mẹ” và “Là Mình” không hề mâu thuẫn. Bạn không cần phải chọn giữa việc trở thành một người mẹ yêu thương và một người phụ nữ đầy khát vọng. Bạn có thể có cả hai.
Thương mến, YÊN SPACE written by Nguyễn Bảo Uyên CoachVille Profession Certified Coach
Cảm ơn bạn vì đã bên cạnh, đón đọc và ủng hộ bản tin. Các chia sẻ, góp ý từ bạn luôn được đón nhận để giúp bản tin có giá trị hữu ích và thiết thực hơn. Nếu bạn yêu thích bản tin và thấy nội dung hữu ích. Hãy chia sẻ tới nhiều người hơn nữa nhé!
Comments