top of page
Ảnh của tác giảUyen Nguyen

Những gì chúng ta lo lắng về con cái thường phản chiếu chính mình

"Những gì chúng ta lo lắng về con cái thường phản chiếu chính chúng ta." (What we worry about for our kids has a lot to do with us) - Dr. Aliza Pressman


(What we worry about for our kids has a lot to do with us) - Dr. Aliza Pressman
(What we worry about for our kids has a lot to do with us) - Dr. Aliza Pressman

Làm mẹ là một hành trình đầy cảm xúc, nơi tình yêu thương và lo lắng thường đi cùng nhau. Từ những ngày đầu tiên khi con cất tiếng khóc, chúng ta đã bắt đầu lo âu: Liệu con có khỏe không? Con có phát triển tốt không? Rồi khi con lớn hơn, chúng ta lại tiếp tục lo lắng về chuyện học hành, tính cách, tương lai của con.


Thế nhưng, có bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi: Những điều mình lo lắng cho con thực sự đến từ đâu?


Đôi khi, những lo âu ấy không phản ánh thực tế của con mà là phản chiếu những trải nghiệm, kỳ vọng và nỗi sợ bên trong chính chúng ta.


Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn khám phá sâu hơn về mối liên hệ giữa lo lắng của chúng ta và chính bản thân mình, đồng thời cung cấp một góc nhìn mới về việc thấu hiểu tính cách con qua hình tượng hoa lan (orchid) và hoa bồ công anh (dandelion) của Dr. W. Thomas Boyce. Hy vọng rằng qua đây, bạn sẽ tìm thấy cách nhìn nhận tích cực hơn và bình yên hơn trong hành trình làm mẹ của mình.


Những lo âu về con thật ra phản chiếu chính mình

Nếu bạn từng cảm thấy áp lực trong việc học khi còn bé, rất có thể bạn sẽ lo lắng rằng con mình cũng phải đạt được thành tích cao để không trải qua cảm giác tương tự.

Nếu bạn đã từng cảm thấy mình không được lắng nghe hoặc thấu hiểu, bạn có thể rất lo lắng khi thấy con khép kín hoặc có xu hướng thu mình trong lớp học.


Những gì chúng ta trải qua đã hình thành nên những nỗi sợ vô hình, và đôi khi những nỗi sợ ấy vô tình áp lên con mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế của trẻ.


Nhận thức được rằng lo âu của chúng ta không chỉ nói về con mà còn phản chiếu nội tâm của mình là bước đầu để giải phóng áp lực. Khi bạn hiểu rằng những lo lắng này có thể bắt nguồn từ những kỳ vọng cá nhân hoặc trải nghiệm chưa được chữa lành, bạn sẽ dễ dàng tìm ra cách tiếp cận tích cực hơn.


Liệu ta lo cho con hay là vì ta đang nhìn thấy tuổi thơ của chính mình và không chấp nhận được những phần tối đó?

Bạn thấy con lép vế khi chơi với bạn cùng lớp và cảm thấy cơn giận âm ỉ trong người. Bạn mong muốn rằng con phải là người dẫn đầu, có tính lãnh đạo, dẫn dắt bạn bè thay vì là follower?


Có phải đó là vì bạn thấy mình đã từng có cảm giác bị bắt nạt lúc bé và bất lực, cảm thấy mình thiệt thòi nhưng không làm gì được. Bạn cảm thấy buồn giận và không muốn con mình trải qua điều tương tự?


Bạn thấy con quá hướng nội, nhạy cảm và thường lo lắng, bạn mong muốn con phải mạnh mẽ, hoà đồng, hoạt bát hơn?


Có phải đó là vì bạn cũng đã từng ngại giao tiếp, nhút nhát và hay lo lắng, và cảm thấy đó là điều thiệt thòi ở xã hội này và không muốn con trải qua những điều tương tự?


Một câu hỏi khác, đó có phải là vì bạn thấy mình ở trong con và bạn chưa chấp nhận được phần đó của bản thân mình, chưa yêu thương và ôm ấp phần em bé thơ ấu đó của bạn, và bạn đang phóng chiếu lên con?


Có lẽ khi đọc tới đây, nhiều người sẽ cảm thấy không chấp nhận và đọc tiếp được. Uyên rất hiểu điều đó vì Uyên đã có trải nghiệm như vậy. Đó là một phần vô cùng khó khăn để nhìn ra, và thậm chí khi nhìn ra, cũng rất khó để chấp nhận.


Nhưng nếu bạn thực sự muốn có một bức tranh lớn trong việc làm cha mẹ của mình, hãy kiên nhẫn chút xíu, vì mục tiêu của bài viết này không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra một điều gì đó mà còn là giúp chúng ta an yên trên hành trình làm cha mẹ.


Không sao cả, ai trong chúng ta cũng đều có những khó khăn trong quá trình lớn lên. Nhưng ta không để điều đó ảnh hưởng lên con cái mình

Thực sự ra, khi chính mình nhận ra và thừa nhận điều này, đã chính là bước đầu tiên khởi đầu để ngăn việc ta phóng chiếu chính trải nghiệm của mình lên con cái.


Thử nghĩ, nếu chúng ta vẫn vô thức có cảm xúc, suy nghĩ và hành vi sinh ra từ những cảm xúc, suy nghĩ đó, thì mọi việc không thay đổi. Nhưng khi ta đã đưa mọi việc từ phần vô thức, lên phần ý thức, ta đã bắt đầu làm chủ được chính mình và có quyền kiểm soát sự phóng chiếu của mình ra bên ngoài.


Vậy, cách đầu tiên và cơ bản nhất để chúng ta tỉnh thức trên hành trình này, chính là mỗi ngày dành 5 phút để tĩnh lặng nội tâm để quan sát, phản tư chính mình, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.


mỗi ngày dành 5 phút để tĩnh lặng nội tâm để quan sát, phản tư chính mình
mỗi ngày dành 5 phút để tĩnh lặng nội tâm để quan sát, phản tư chính mình
Thực hành tĩnh lặng nội tâm
Thực hành tĩnh lặng nội tâm

Là cha mẹ, tất nhiên chúng ta có ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái mình, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Chúng ta tạo nền tảng cho sự phát triển về mặt cảm xúc, xã hội và nhận thức của chúng.


Tuy nhiên, ảnh hưởng không giống như kiểm soát. Chúng ta không thể quyết định mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng hoặc bảo vệ chúng khỏi mọi khó khăn. Điều quan trọng nhất đối với mối quan hệ cha mẹ - con cái, cũng như sự phát triển và trưởng thành của con cái chúng ta, là tập trung vào việc nuôi dạy con cái trong khả năng tốt nhất của mình, dù cho không hoàn hảo (Và Uyên tin chắc trên đời này không có cha mẹ nào là hoàn hảo cả!)


Tôn trọng sự khác biệt: Hoa lan và bồ công anh đều có điểm đặc biệt của riêng mình


Một trong những cách tuyệt vời nhất để thấu hiểu tính cách và khả năng thích ứng của con là qua nghiên cứu của Dr. W. Thomas Boyce, người đã sử dụng hình tượng “hoa lan” và “hoa bồ công anh” để giải thích sự khác biệt trong khí chất và khả năng đối mặt với thử thách của trẻ.


  • Hoa bồ công anh (dandelion) tượng trưng cho những đứa trẻ có khả năng thích nghi tốt. Giống như bồ công anh có thể mọc ở bất kỳ nơi đâu, những đứa trẻ này có xu hướng phát triển ổn định bất kể môi trường sống hay điều kiện nuôi dưỡng như thế nào. Chúng ít bị ảnh hưởng bởi những thay đổi hay áp lực từ bên ngoài.

  • Hoa lan (orchid) lại đại diện cho những đứa trẻ nhạy cảm hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Giống như hoa lan cần điều kiện chăm sóc đặc biệt để nở rộ, những đứa trẻ này sẽ phát triển vượt bậc trong một môi trường yêu thương và hỗ trợ, nhưng cũng dễ gặp khó khăn nếu không được chăm sóc đúng cách. Nhưng một khi đã gặp đúng điều kiện phù hợp, chúng sẽ nở ra một cách tuyệt đẹp vô cùng.


Nếu bạn là người làm vườn vườn, bạn sẽ không trồng một loại hạt giống và mong đợi bông hoa nở khác đi. Thay vào đó, bạn sẽ cung cấp ánh sáng mặt trời, nước và đất cần thiết cho hạt giống đã được trồng.


Hiểu được rằng mỗi đứa trẻ có khí chất riêng, bạn sẽ bớt lo lắng hơn về việc con không theo kịp những chuẩn mực xã hội hoặc không giống với kỳ vọng của mình. Nếu con bạn là một "bồ công anh", bạn có thể tin tưởng vào khả năng thích nghi tự nhiên của con mà không cần kiểm soát quá mức. Nếu con là một "hoa lan", bạn có thể tạo ra môi trường phù hợp để con phát triển, thay vì lo lắng rằng con không đủ mạnh mẽ.


Nếu bạn là người làm vườn vườn, bạn sẽ không trồng một loại hạt giống và mong đợi bông hoa nở khác đi. Thay vào đó, bạn sẽ cung cấp ánh sáng mặt trời, nước và đất cần thiết cho hạt giống đã được trồng.
Nếu bạn là người làm vườn vườn, bạn sẽ không trồng một loại hạt giống và mong đợi bông hoa nở khác đi. Thay vào đó, bạn sẽ cung cấp ánh sáng mặt trời, nước và đất cần thiết cho hạt giống đã được trồng.

Chuyển hóa lo âu thành sự kết nối

Khi hiểu được rằng những lo lắng của chúng ta có thể phản chiếu nội tâm và trải nghiệm của chính mình, bạn sẽ bắt đầu giải phóng áp lực. Thay vì lo sợ và cố gắng kiểm soát, hãy dùng tình yêu thương để xây dựng sự kết nối với con.


Dưới đây là một số bước bạn có thể thử để chuyển hóa lo âu thành sự đồng hành:


  • Lắng nghe bản thân: Khi cảm thấy lo lắng về con, hãy tự hỏi: "Nỗi lo này có thực sự đến từ nhu cầu của con không, hay là do những kỳ vọng và trải nghiệm của mình?"

  • Tìm hiểu tính cách của con: Nhận ra rằng mỗi đứa trẻ có một cách riêng để đối diện với thế giới sẽ giúp bạn bớt lo lắng về việc con không giống như những gì bạn mong đợi. Hãy quan sát xem con là một "bồ công anh" mạnh mẽ hay một "hoa lan" nhạy cảm để có cách tiếp cận phù hợp.

  • Chấp nhận sự không hoàn hảo: Không có đứa trẻ nào là hoàn hảo, và cũng không có người mẹ nào luôn làm đúng mọi lúc. Việc chấp nhận rằng cả bạn và con đều đang học hỏi sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và tạo ra không gian để cả hai cùng phát triển.

  • Dành thời gian cho kết nối: Khi bạn dừng lại và kết nối thật sự với con, thay vì chỉ nhìn con qua lăng kính lo lắng, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui và ý nghĩa trong từng khoảnh khắc. Sự hiện diện của bạn sẽ là điều quý giá nhất mà con cần, hơn bất kỳ thành tích hay kỳ vọng nào.


Tình yêu thương luôn vượt lên trên bản năng của mỗi người

Có một ý chính trong cuốn sách “Con đường chẳng mấy ai đi” mà Uyên vẫn luôn có ấn tượng và tôn trọng, đại khái là “Tình yêu không chỉ là cảm xúc, tình yêu còn là sự nỗ lực cố gắng cho đối phương và cho mối quan hệ”


Tình yêu đó có thể là với bạn đời, cha mẹ và con cái hay bất cứ ai. Nhưng trên hết, tình yêu vượt lên trên bản năng của mỗi người. Ta có thể lười và mệt, nhưng với tình yêu, ta có thể cố gắng mệt một chút xíu hơn cho người mình thương. Như cái cách chúng ta đã từng cố gắng học hành thật tốt để không phụ lòng cha mẹ, chúng ta cố bình tĩnh để lắng nghe bạn đời mình hơn một chút, chúng ta cố gắng dành 5 phút mỗi ngày tĩnh lặng nội tâm để ngưng phóng chiếu lên con cái!


Lo lắng là một phần tự nhiên của việc làm mẹ, nhưng tình yêu thương sẽ luôn là chìa khóa để vượt qua những lo âu ấy. Khi bạn tập trung vào việc yêu thương và thấu hiểu con thay vì lo lắng, bạn sẽ tạo ra một không gian an toàn cho con phát triển và cho chính bạn cảm thấy bình yên hơn.


Yêu thương không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn lo âu, mà là nhận ra rằng bạn không cần phải kiểm soát tất cả mọi thứ để trở thành một người mẹ tốt. Thay vì chạy theo những kỳ vọng và nỗi sợ, hãy lùi lại và yêu thương con từ nơi của sự chấp nhận và thấu hiểu.


Lời kết

Những gì chúng ta lo lắng cho con đôi khi không thực sự liên quan đến con, mà là phản chiếu những nỗi niềm sâu kín trong chính mình. Khi bạn hiểu được điều này và học cách thả lỏng, bạn sẽ không chỉ giảm bớt căng thẳng mà còn tạo ra một mối quan hệ lành mạnh và yêu thương hơn với con.


Dù con bạn là một "bồ công anh" mạnh mẽ hay một "hoa lan" nhạy cảm, điều quan trọng nhất vẫn là tình yêu và sự hiện diện của bạn. Hãy để tình yêu thương dẫn lối, và bạn sẽ thấy rằng mọi lo âu dần tan biến, nhường chỗ cho niềm vui và sự bình yên trong hành trình làm mẹ.

Bạn đang làm rất tốt!
Bạn đang làm rất tốt!

Bạn đang làm tốt hơn bạn nghĩ đấy. Hãy tin tưởng vào bản thân và tin tưởng vào con.


Thương mến, YÊN SPACE

written by Nguyễn Bảo Uyên CoachVille Profession Certified Coach


** Nguồn tài liệu tham khảo:

  • It’s not you, it’s me - Dr. Aliza Pressman, Raising Good Humans

  • Dr. W. Thomas Boyce’s research on temperament with metaphor of Dandelion and Orchid


 

Cảm ơn bạn vì đã bên cạnh, đón đọc và ủng hộ bản tin. Các chia sẻ, góp ý từ bạn luôn được đón nhận để giúp bản tin có giá trị hữu ích và thiết thực hơn.

Nếu bạn yêu thích bản tin và thấy nội dung hữu ích. Hãy chia sẻ tới nhiều người hơn nữa nhé!

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page