"Khi còn bé, chúng ta được dạy rằng phải đối xử tốt với những người xung quanh. Nhưng đôi khi chúng ta không được dạy rằng, đối xử tốt với chính mình cũng quan trọng không kém" - Flo Foundations
Chào bạn,
Trong cuộc sống hiện đại đầy bận rộn và áp lực, việc tự chăm sóc và trắc ẩn với bản thân trở thành yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết để duy trì sức khỏe tinh thần và cảm giác hạnh phúc. Hôm nay, bản tin Shine From Within muốn giới thiệu đến độc giả thân yêu về khái niệm "self-compassion" (trắc ẩn với chính mình), cùng với những lý do tại sao chúng ta cần phát triển và thực hành điều này trong cuộc sống hàng ngày.
Self-Compassion - Trắc ẩn với chính mình là gì?
Self-compassion, hay trắc ẩn với chính mình, là hành động tự đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn và thấu hiểu, đặc biệt khi chúng ta đối mặt với thất bại, đau khổ hoặc sai lầm. Khái niệm này được phát triển bởi tiến sĩ tâm lý học Dr. Kristin Neff - người đồng sáng lập nên Center for Mindful Self-Compassion (Trung tâm Trắc Ẩn Tự Thân trong Chánh Niệm) cùng với Dr. Christopher Germer.
Trắc ẩn với chính mình (Self-Compassion) được cấu thành từ ba yếu tố chính:
Tử tế với chính mình (Self-kindness): Đối xử với bản thân một cách tử tế và dịu dàng, thay vì phê phán và chỉ trích.
Tính đồng nhân loại (Common Humanity): Nhận ra rằng những thách thức là một phần trong trải nghiệm của con người. Vì thế, hiểu rằng tất cả mọi người đều trải qua đau khổ và khó khăn, điều này giúp ta cảm thấy kết nối và bớt cô đơn.
Chánh niệm (Mindfulness): Nhận thức chính xác về những cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm của mình một cách khách quan và không phán xét mà không đồng nhất với chúng.
Tại sao ta cần trắc ẩn với chính mình?
Trong cuộc sống hiện đại đầy bận rộn và áp lực, chúng ta thường dành rất nhiều thời gian và tâm trí để chăm sóc người khác, từ gia đình, bạn bè, đến đồng nghiệp. Tuy nhiên, ít ai trong chúng ta lại dành đủ sự quan tâm cho chính mình.
Chính vì thế, việc nuôi dưỡng lòng trắc ẩn tự thân trở nên vô cùng quan trọng và cần thiết.
1. Trắc ẩn với chính mình giúp giảm stress và lo âu
Một trong những lợi ích lớn nhất của lòng trắc ẩn tự thân là giúp giảm stress và lo âu. Khi bạn biết cách tự an ủi và hỗ trợ mình trong những lúc khó khăn, bạn sẽ cảm thấy bớt áp lực và căng thẳng.
Nghiên cứu của 2 tiến sĩ tâm lý Neff và Germer (2013) chỉ ra rằng những người thực hành lòng trắc ẩn tự thân có mức độ stress và lo âu thấp hơn đáng kể so với những người không thực hành.
2. Tăng cường sự tự tin
Lòng trắc ẩn tự thân giúp bạn nhìn nhận và chấp nhận bản thân một cách tích cực hơn. Thay vì chỉ trích và phê phán những sai lầm, bạn học cách hiểu rằng ai cũng có thể mắc lỗi và điều quan trọng là học hỏi từ những kinh nghiệm đó.
Nghiên cứu của Neff và Vonk (2009) cho thấy những người có lòng trắc ẩn tự thân cao có sự tự tin và lòng tự trọng mạnh mẽ hơn.
3. Cải thiện mối quan hệ
Khi bạn biết cách yêu thương và chăm sóc chính mình, bạn cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc chia sẻ và lan tỏa tình yêu thương đến người khác.
Bạn trở nên kiên nhẫn và thấu hiểu hơn, từ đó các mối quan hệ xung quanh bạn cũng trở nên hài hòa và bền vững hơn.
4. Tự thức bản thân
Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn tự thân cũng giúp bạn khám phá và hiểu rõ hơn về bản thân mình.
Bạn sẽ nhận ra những giá trị, điểm mạnh và cả những khía cạnh cần cải thiện của mình.
Điều này không chỉ giúp bạn phát triển cá nhân mà còn định hướng cho bạn một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
5. Cải thiện sức khoẻ tinh thần
Cuối cùng, lòng trắc ẩn tự thân là một yếu tố quan trọng giúp duy trì sức khỏe tinh thần. Khi bạn biết cách tự chăm sóc và bảo vệ mình, bạn sẽ có một tinh thần lạc quan, yêu đời và khả năng đối mặt với những khó khăn một cách mạnh mẽ hơn.
Một nghiên cứu của MacBeth và Gumley (2012) đã cho thấy lòng trắc ẩn tự thân có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần, giảm nguy cơ trầm cảm và lo âu.
Tóm lại, lòng trắc ẩn tự thân không chỉ là một phương pháp chăm sóc bản thân mà còn là chìa khóa mở ra một cuộc sống an yên và hạnh phúc.
Cách đơn giản cho người mới bắt đầu thực hành “Trắc ẩn với chính mình"
1. Tự trò chuyện với bản thân một cách tử tế
Hãy tưởng tượng bạn đang nói chuyện với một người bạn thân yêu khi họ gặp khó khăn. Hãy sử dụng cùng một giọng điệu và lời khuyên đó cho chính mình. Ví dụ, thay vì nói "Mình thật ngu ngốc", hãy nói "Mình đã cố gắng hết sức, và mình sẽ học hỏi từ trải nghiệm này."
2. Chấp nhận những cảm xúc không thoải mái thay vì đè nén hay chối bỏ
Đừng cố gắng tránh né hoặc đè nén những cảm xúc không thoải mái. Thay vào đó, hãy nhận diện chúng và hiểu rằng đó là một phần của trải nghiệm con người. Điều này giúp bạn không bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực mà có thể nhìn nhận chúng một cách khách quan.
3. Thực hành chánh niệm
Dành thời gian mỗi ngày để thực hành chánh niệm. Điều này giúp bạn kết nối với bản thân và nhận ra những suy nghĩ và cảm xúc mà không phán xét. Bạn có thể bắt đầu bằng việc dành 5-10 phút mỗi ngày để ngồi thiền hoặc tập trung vào hơi thở.
Tài nguyên hỗ trợ
Sách Trắc ẩn với chính mình được dịch sang tiếng Việt từ cuốn The Mìndul Self-Compassion Workbook được viết bởi Tiến sĩ Kristin Neff và Chris Germer
Các bài thiền thực hành Trắc ẩn với chính mình được chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi coach Bảo Uyên cho mục đích phục vụ cộng đồng, gia tăng lòng trắc ẩn tự thân để cải thiện sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp bạn bắt đầu hành trình “một chút thương mình” bằng cách thực hành “Trắc ẩn với chính mình”. Nhớ rằng, lòng trắc ẩn không chỉ dành cho người khác mà còn rất cần thiết cho chính mình.
Chúc bạn luôn tràn đầy yêu thương và tự trọng trên hành trình này.
Thương mến,
YÊN SPACE
TRẢI NGHIỆM COACHING CHUẨN ICF LEVEL 2 CÙNG YÊN COACHING SPACE:
Cám ơn bạn đã theo dõi blog của Yên Coaching Space.
Nếu muốn kết nối nhiều hơn với mình, bạn có thể theo dõi các kênh khác của Yên Space tại:
Facebook | Youtube | Email | Đồng hành 1:1
Nếu bạn yêu thích bản tin và thấy nội dung hữu ích. Hãy chia sẻ tới nhiều người hơn nữa nhé!
Comentários