“Việc đặt ra ranh giới không phải là phản bội gia đình, bạn bè, đối tác, công việc của bạn hay bất kỳ ai hay bất cứ điều gì khác.” ~ Nedra Glover Tawwab
Bằng một cách kỳ lạ nào đó, tất cả các thành viên của lớp học “Ranh giới lành mạnh: Nói không nói có, khi muốn khi cần” vừa qua của tôi đều có chung đặc điểm là lựa chọn một mối quan hệ trong gia đình để thiết lập ranh giới lành mạnh lại. Tôi cảm thấy biết ơn vì mình đã được tin tưởng và có cơ hội được làm việc cùng các tình huống đặc biệt như vậy.
Quả thật, trong tất cả các mối quan hệ trên đời: sếp - nhân viên, đồng nghiệp với nhau, tình yêu nam nữ, v.v… thì mối quan hệ gia đình vẫn là một mối quan hệ quan trọng và khó thiết lập ranh giới bậc nhất. Bởi nó còn là tình cảm thiêng liêng, không thể dễ dàng từ bỏ hay quyết đoán như các mối quan hệ khác, nó phức tạp hơn thế nhiều.
Điều đáng mừng là ranh giới cá nhân luôn luôn có thể thiết lập lại, dù với ai hay thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nó không phải là bẩm sinh, di truyền, và cũng không phải là bất biến. Vậy nên, quan trọng là bạn có sự nhận thức đúng đắn về ranh giới của mình và sẵn sàng cam kết để thay đổi nó theo hướng tích cực hơn.
Tại sao bạn cần thiết lập ranh giới với gia đình?
1. Duy trì sự tôn trọng lẫn nhau
Ranh giới lành mạnh tạo ra sự tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình. Khi mỗi người rõ ràng biết đến những giới hạn của người khác và không vi phạm chúng, mỗi cá nhân đều cảm thấy được tôn trọng và quý mến. Điều này không chỉ giúp cải thiện mối quan hệ hiện tại mà còn đặt nền móng cho sự tôn trọng trong tương lai.
2. Giảm thiểu xung đột
Nhiều xung đột trong gia đình bắt nguồn từ sự hiểu lầm và việc vi phạm ranh giới cá nhân không được thừa nhận. Khi mỗi thành viên trong gia đình đều rõ ràng về những gì họ cảm thấy là chấp nhận được và không chấp nhận, số lượng xung đột sẽ giảm bớt đáng kể. Việc trao đổi mở về ranh giới giúp mọi người có cùng một sự hiểu biết và kỳ vọng, từ đó giảm thiểu được sự bất đồng không đáng có.
3. Thúc đẩy sự tự lập
Đặc biệt trong mối quan hệ cha mẹ và con cái, ranh giới lành mạnh giúp con cái phát triển sự tự lập. Khi con cái được tôn trọng ranh giới cá nhân, chúng học được cách tự quản lý bản thân và tôn trọng ranh giới của người khác. Điều này không chỉ cần thiết cho sự phát triển cá nhân của con cái mà còn giúp chúng hình thành những kỹ năng quan trọng cho cuộc sống sau này.
4. Củng cố sự tự tin và độc lập
Có thể tự đặt ra và bảo vệ ranh giới của mình là dấu hiệu của sự tự trọng và độc lập. Khi bạn tự tin về khả năng đứng vững trên lập trường của mình, bạn không chỉ cảm thấy vững vàng hơn trong các mối quan hệ gia đình mà còn trong mọi mối quan hệ hay khía cạnh khác của cuộc sống. Điều này cũng thể hiện sự chín chắn và khả năng tự chăm sóc bản thân, là yếu tố then chốt để duy trì một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.
“Dám nhận lãnh trách nhiệm” là khởi đầu của sự thay đổi trong ranh giới
Một lý do khiến bạn khó đặt ra ranh giới với gia đình là vì người thân của chúng ta có những vấn đề về ranh giới và trải nghiệm sống, hệ thống niềm tin của riêng họ. Họ xâm phạm ranh giới của bạn không phải vì họ muốn làm hại bạn hay ghét bỏ bạn, mà đơn giản chỉ vì họ chưa có kiến thức hay nhận thức đúng về điều họ đang làm và tác động của những điều đó đến cuộc sống của bạn.
Ví dụ, họ có thể quá coi trọng vai trò làm cha mẹ của mình đến mức không biết làm thế nào để bạn được tự lập tự do dù bạn đã trưởng thành. Dù bạn đã 18 tuổi hay 30 tuổi, họ vẫn coi bạn là những đứa trẻ bé bỏng, cưng nựng, gọi bằng những cái tên lúc bé, không sẵn sàng để bạn ngủ riêng hay có mối quan hệ nào quan trọng hơn họ.
Hay một ví dụ khác, cha mẹ là “bạn bè” của con cái. Rõ ràng, việc con cái có thể tin tưởng về chia sẻ mọi điều với bố mẹ là điều tốt nhưng giữa “cha mẹ” và “bạn bè” hoàn toàn là hai mối quan hệ khác nhau, vì vậy ta không gọi nó bằng chung một cái tên. Dù thân thiết cỡ nào, cha mẹ và con cái không thể là mối quan hệ ngang hàng mà cha mẹ cần là cha mẹ của con mà thôi.
Một ví dụ khác về ranh giới thiếu lành mạnh trong gia đình, là người thân luôn đưa ra những lời khuyên và cân nhắc mọi quyết định của bạn. Và chẳng may, nếu họ không đồng ý với lựa chọn của bạn, đặc biệt nếu nó liên quan đến sự nghiệp, thể chất, bạn bè và người vợ chồng của chúng ta, thì nó sẽ thật là đau đớn về mặt tinh thần và sự hạnh phúc, bình an trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hoàn toàn đánh mất ranh giới về cuộc sống tự chủ của chính mình và cho phép người khác quyết định lựa chọn cho cuộc sống của chính mình.
Hay một ví dụ khác trong câu chuyện của cô Terri - chuyên gia về mối quan hệ mà chúng ta ta sẽ áp dụng một bài tập nhỏ của cô cho tuần này: Vì lớn lên trong một gia đình không có ranh giới lành mạnh, việc dùng chung bàn chải đánh răng là chuyện bình thường từ bé, thì lớn lên bạn nghĩ đó là điều bình thường và là chuẩn mực sống bình thường của xã hội. Đến khi bạn có bàn chải riêng của mình bạn cho rằng đó là điều xa xỉ và hạnh phúc bậc nhất. Và bạn cực kỳ ngạc nhiên khi biết thực tế rằng, chuẩn mực bình thường của xã hội là mỗi người đều có bàn chải riêng của mình và điều đó là không chung đụng. Câu chuyện này có nghĩa rằng, một người không có nhận thức đúng về ranh giới cũng vì họ chưa may mắn lớn lên trong một môi trường có ranh giới lành mạnh.
Có thể nói, ranh giới ra sao cũng một phần được truyền qua thế hệ (không phải về mặt di truyền mà là giáo dục). Nếu muốn truy hồi trách nhiệm từ một ai khác, đó sẽ là một vòng xoáy không hồi kết. Ta bị ảnh hưởng hưởng bởi cha mẹ ta, cha mẹ ta ảnh hưởng từ ông ba ta, ông bà ta ảnh hưởng từ cụ kị ta, cụ kị ta ảnh hưởng từ các thế hệ trước trước nữa. Ngoài ra, không chỉ về giáo dục trong gia đình, thì còn có yếu tố văn hoá xã hội thời cuộc, khi thời của ông bà cụ kị ta còn có chiến tranh, nạn đói, nạn nghèo thì có những điều không thể nào tránh khỏi dẫn đến những mô thức hoặc hoàn cảnh định hình nên cách giáo dục thế hệ sau.
Vì vậy, việc ta nên làm không phải là truy hồi trách nhiệm và rơi vào vòng xoáy không hồi kết ấy, mà là có dám nhận lãnh trách nhiệm về ranh giới của chính mình cho chính mình. Bằng cách, ta học kiến thức đúng về ranh giới lành mạnh, học cách giao tiếp hiệu quả và khẳng định ranh giới của mình với họ qua hành động nhất quán.
Khi ta thay đổi được ranh giới của chính mình, ta có thể tạo ảnh hưởng tích cực tới cả những người xung quanh. Như trong cuốn sách nổi tiếng của Stephen Covey cũng chỉ rõ ra những gì ta có thể thay đổi và những gì ta chỉ có thể ảnh hưởng mà thôi.
Những bước nhỏ để bắt đầu thiết lập ranh giới với gia đình?
Thiết lập ranh giới lành mạnh là một hành trình dài và đòi hỏi sự thực hành mỗi ngày. Nó không chỉ dừng lại ở việc có kiến thức, mà cần phải có sự thực hành để mang vào cuộc sống thực tế. Trong khuôn khổ bài viết hôm nay, tôi sẽ gợi ý những bước nhỏ căn bản giúp bạn từng bước thiết lập ranh giới lành mạnh:
Xác định ranh giới hiện tại cần thiết thay đổi: Bắt đầu bằng cách nhận diện những gì bạn cảm thấy cần được tôn trọng, từ thời gian riêng tư đến các vấn đề tài chính hoặc cách giáo dục con cái, v.v…
Xác định bức tranh ranh giới mình hướng tới: Trong các vấn đề nhận diện được bên trên, bạn muốn nó thay đổi tích cực một cách cụ thể ra sao, hãy liệt kê càng chi tiết càng tốt.
Giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn với lòng trắc ẩn và tử tế tôn trọng: Hãy nói chuyện với gia đình về các ranh giới của bạn một cách trực tiếp và rõ ràng với sự tử tế, chân thành và lòng trắc ẩn. Giải thích tại sao chúng quan trọng và làm thế nào chúng góp phần vào sự hòa hợp chung của cả gia đình.
Kiên định và linh hoạt: Một khi đã đặt ra ranh giới, hãy kiên định bảo vệ chúng. Tức là, lời nói phải đi đôi với hành động; chứ đừng nói mà không làm thì chẳng ai tôn trọng và thực hiện theo ranh giới của bạn cả, vì chính bạn cũng như thế mà. Tuy nhiên, cũng cần linh hoạt điều chỉnh những quy tắc ranh giới cho phù hợp khi cần thiết để phù hợp với hoàn cảnh thay đổi của gia đình.
Thực hành lắng nghe: Lắng nghe mọi người trong gia đình và họ cũng cần được tôn trọng ranh giới của họ. Mối quan hệ lành mạnh là mối quan hệ có cho đi và nhận lại, chứ không phải chỉ một phía. Bạn muốn mọi người tôn trọng ranh giới của bạn thì cũng cần làm điều ngược lại.
Hỗ trợ và nguồn lực:
Sách và khóa học: Có nhiều sách và khóa học giúp bạn hiểu rõ hơn về cách thiết lập và duy trì ranh giới lành mạnh.
Chuyên gia về mối quan hệ và hoặc chuyên gia về ranh giới: Đôi khi, chúng ta có những điều mù không thể tự nhận ra ở bản thân. Việc có một chuyên gia đồng hành sẽ giúp bạn mở rộng nhận thức, được tôn trọng và phát triển ranh giới lành mạnh.
Bí quyết của tuần này:
Bài tập thử khám phá ranh giới trong mối quan hệ của bạn với gia đình:
Bước 1:
Trong 2 ngày tiếp theo, hãy chú ý đến cảm xúc của bạn khi tương tác với bất kỳ ai trong gia đình của bạn và viết nó ra. Nếu bạn không tương tác với bất kỳ ai trong 2 ngày tới, hãy nghĩ lại những lần tương tác gần đây nhất của bạn với họ để có bức tranh rõ ràng hơn về những gì đang xảy ra với bạn.
Viết ra mọi chi tiết mà bạn cảm thấy có vẻ như xâm phạm ranh giới (một kỳ vọng, quyền lợi hoặc nỗ lực kiểm soát một cách ngấm ngầm hoặc công khai từ gia đình bạn)
Bạn đang cảm thấy tức giận ở điều gì?
Có những việc bạn đang làm hiện tại mà bạn không muốn làm… nhưng bạn không muốn làm thất vọng, tức giận hoặc khó chịu một ai đó trong gia đình?
Những thứ đó cụ thể chi tiết là gì?
Liệt kê bất kỳ điều gì bạn biết bạn cần phải làm cho bản thân, ngay cả khi người thân trong gia đình sẽ không chấp thuận.
Liệt kê các chủ đề mà bạn cảm thấy không an toàn để thảo luận với người thân trong gia đình bạn.
Bước 2:
Bước tiếp theo, hãy tìm hiểu sâu hơn để bắt đầu hiểu rõ hơn về sở thích, mong muốn của bạn, sau đó bắt đầu từ từ thay đổi hành vi ranh giới của bạn để bạn hành động ranh giới lành mạnh hơn:
Sở thích: Có một sở thích có nghĩa là thiên về lựa chọn này hơn lựa chọn khác. Bạn thích cà phê hay trà? Yoga hay CrossFit?
Mong muốn: Mong muốn là một bậc cao hơn sở thích, ở chỗ chúng bộc lộ nhiều hơn mong muốn nhu cầu quan trọng đối với chính bạn. Ví dụ, bạn có thể mong muốn người bạn đời hoặc người bạn thân nhất của mình hiểu bạn về mặt cảm xúc - hoặc ít nhất là đủ quan tâm và cố gắng để thấu hiểu bạn.
Những ranh giới không thể phá vỡ: Những ranh giới không thể phá vỡ là những quy luật không thể thương lượng. Điều này là khác nhau ở mỗi cá nhân. Hãy khám phá ranh giới không thể phá vỡ của riêng mình. Ví dụ: Với anh A là không được đánh con - bạo lực về mặt thể chất, với chị B là không được xưng hộ mày-tao trong mối quan hệ hôn nhân vì nó mang tính xúc phạm, v.v… Hãy xác định điều đó vì nó thực sự quan trọng.
Bước 3:
Cuối cùng, hãy xác định bức tranh ranh giới trong mơ mà bạn mong ước. Biết rất rõ mình muốn gì, thì mới có thể biến nó thành sự thực. Còn không biết rõ mình muốn đi đâu, thì đi đâu cũng như vậy mà thôi.
Thiết lập ranh giới trong gia đình không phải là một hành động ích kỷ; nó là một biện pháp cần thiết để bảo vệ tinh thần và sự khỏe mạnh cho mỗi thành viên. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một môi trường gia đình tràn ngập yêu thương và sự tôn trọng. Chúc bạn thành công trên hành trình này!
Thương mến,
YÊN SPACE
TRẢI NGHIỆM COACHING CHUẨN ICF LEVEL 2 CÙNG YÊN COACHING SPACE:
Cám ơn bạn đã theo dõi blog của Yên Coaching Space.
Nếu muốn kết nối nhiều hơn với mình, bạn có thể theo dõi các kênh khác của Yên Space tại:
Facebook | Youtube | Email | Đồng hành 1:1
Nếu bạn yêu thích bản tin và thấy nội dung hữu ích. Hãy chia sẻ tới nhiều người hơn nữa nhé!
Comments